Tai nạn thương tích ở trẻ em Việt Nam hiện nay là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng và nó đòi hỏi toàn xã hội phải có những hành động thiết thực để ngăn chặn những nguy cơ tai nạn thương tích đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của trẻ em nước ta.
1. TAI NẠN THƯƠNG TÍCH LÀ MỘT VẤN ĐỀ NGHIÊM TRỌNG:
Từ năm 2001, đã có một nghiên cứu về tai nạn thương tích ở trẻ em Việt Nam được tiến hành dưới sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (Unicef) và trường Đại học Y tế công cộng. Những kết quả nghiên cứu về tai nạn thương tích ở trẻ em Việt Nam trên diện rộng cùng với những nghiên cứu gần đây và dữ liệu thu thập được của Bộ Y tế năm 2006 đã giúp cho cộng đồng xã hội thấy một bức tranh toàn cảnh về quy mô, mô hình và nguyên nhân tai nạn thương tích trẻ em ở Việt Nam.
Có thể nói, tai nạn thương tích đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em Việt Nam từ 1 tuổi trở lên. Năm 2006 có 7.198 trẻ trong độ tuổi từ 0-19 tử vong từ những tai nạn thương tích có thể phòng chống được. Một bản điều tra theo vùng do Liên minh Vì sự an toàn của trẻ em (TASC) tiến hành năm 2007 cho biết, tương ứng với một trẻ tử vong thì có 12 trẻ nằm viện hoặc thương tật vĩnh viễn và 34 trẻ cần chăm sóc y tế hoặc không thể đi học/đi làm do tai nạn thương tích.
2.NGUYÊN NHÂN:
Hiện nay, mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 830.000 trẻ tử vong do tai nạn thương tích, tương đương với 2000 trẻ mỗi ngày. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ em và đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu. Đuối nước chiếm tới 50% tổng số tử vong do tai nạn thương tích, số lượng cao nhất ở nhóm 5-14 tuổi (năm 2007 là 1.837 trường hợp), tỉ suất ở nam cao gấp 2 lần ở nữ và cao nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân thứ 2 trong các nguyên nhân tai nạn thương tích ở trẻ em, 20% số tử vong do tai nạn giao thông là trẻ em và khoảng 21% số nhập viện là trẻ 0-19 tuổi, đây cũng là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở nhóm 15-19 tuổi. Ngã mặc dù không là nguyên nhân gây tử vong lớn ở trẻ em nhưng nó lại là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tàn tật vĩnh viễn, đặc biệt là chấn thương sọ não, cột sống ở trẻ.
Đối tượng gặp tai nạn thương tích do ngã chủ yếu là nam và thấp nhất ở nhóm trẻ sơ sinh (dưới 1 tuổi). Bỏng trong năm 2008 là nguyên nhân của 1,7% số trường hợp tan nạn thương tích không tử vong và 1,9% số trường hợp tai nạn thương tích tử vong trong đó bỏng chất lỏng là nguyên nhân chủ yếu chiếm 83,5% và 50% xảy ra ở nhóm 1-4 tuổi và thường xảy ra trong nhà. Một nguyên nhân khác gây ra tỉ lệ chết cao nhưng không có tình trạng tàn tật vĩnh viễn đó chính là ngộ độc.
Có nhiều dạng ngộ độc: thực phẩm (40%), khí hay khói (15%), ngộ độc dược phẩm (10%), chất độc lỏng, thuốc trừ sâu (4%).
Ngộ độc thường diễn ra cao nhất ở trẻ sơ sinh, giảm dần đến nhóm 14 tuổi trước khi tăng lên dần ở nhóm 15-19 tuổi. Và một nguyên nhân không thể không nhắc đến là tai nạn thương tích do súc vật cắn. Đây là nguyên nhân gây tai nạn thương tích không tử vong phổ biến thứ hai sau ngã, nó thường xảy ra khi trẻ bị chó, mèo, rắn cắn và ong đốt. 80% các trường hợp súc vật cắn phải nhập viện và khoảng 4% dẫn đến những tàn tật vĩnh viễn.
3. BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG:
Trước những hậu quả đáng báo động về tai nạn thương tích ở trẻ em Việt Nam, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách và hoạt động thiết thực để góp phần giảm thiểu tai nạn thương tích ở trẻ: Chính sách quốc gia về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em (2001-2010); Quyết định của Bộ Y tế về triển khai cộng đồng ăn toàn trẻn toàn quốc (2006); Quyết định của Bộ Giáo dục về việc triển khai chương trình trường học an toàn (2007); Nghị quyết 32 về quy định đội mũ bảo hiểm bắt buộc (năm 2007 và bổ sung quy định đối với trẻ em mới được ký năm 2010); Quy chuẩn xây dựng “Nhà ở và công trình công cộng an toàn sinh mạng và sức khỏe”