Để phòng ngừa bệnh lẹo mắt thì vấn đề vệ sinh cá nhân hàng ngày cho bé là ưu tiên số 1.
Lẹo mắt là một khối sưng nề đỏ và có nhân vàng giống như mụn nhọt nằm ngay ở chân các lông mi. Đôi khi chỉ là một vùng sưng đỏ một phần hoặc thậm chí cả bờ mi mắt.
Nguyên nhân gây ra lẹo mắt là do sự nhiễm khuẩn của các chân lông mi, và thủ phạm thường là vi khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus).
Vi khuẩn này có nhiều ở mũi trẻ nên khi khi bé dụi mũi và sau đó dụi vào mắt thì cũng có thể đem vi khuẩn lên trên mi mắt.
Khi phát hiện thấy bé bị lên lẹo mắt thì lấy một chiếc khăn mỏng nhúng vào nước ấm, sau đó vắt khô đi một chút và áp lên mi mắt của cháu.
Làm như vậy 3 lần một ngày, mỗi lần 10 phút sẽ có tác dụng làm cho lẹo khu trú lại và dễ thoát lưu mủ hơn.
Sau đó nên đưa trẻ đi khám mắt, các bác sĩ sẽ có những biện pháp hỗ trợ thêm như dùng thuốc kháng sinh dạng mỡ để bôi lên mi mắt và thuốc giảm đau nếu cần thiết.
Lẹo mắt là một khối sưng nề đỏ và có nhân vàng giống như mụn nhọt nằm ngay ở chân các lông mi
Trong hầu hết các trường hợp điều trị hỗ trợ như vậy, bệnh lẹo mắt đều khỏi, chỉ có 1 số ít trường hợp lẹo tạo mủ thì các bác sĩ phải rạch dẫn lưu mủ.
Nếu trong trường hợp mi mắt của bé sưng to, bị tái phát nhiều lần, đau nhức tại chỗ, bị sốt hoặc lẹo không tự khỏi trong 1 tuần thì cha mẹ nên đưa cháu đến khám chuyên khoa mắt ngay.
Điều nên tránh là không được tự ý nặn chích mủ cho bé. Để phòng ngừa khỏi bị lẹo thì vấn đề vệ sinh cho bé là ưu tiên số 1. Bố mẹ phải tập cho bé thói quen rửa tay sạch sẽ.
Nếu bé hay bị lẹo thì việc vệ sinh mi mắt cho bé để tránh tái phát cũng cần phải làm. Bố mẹ có thể dùng que bông gòn tẩm một ít nước ấm để vệ sinh chân lông mi của bé ít nhất 1 lần/ngày.