Tuy nhiên, dù lo lắng cho con là thế, cha mẹ vẫn nên cẩn thận và tìm hiểu kỹ lưỡng những phương pháp phát triển chiều cao cho con. Đôi khi, chỉ một chút bất cẩn hay không tìm hiểu kỹ, cha mẹ thành ra lại đang hủy hoại cơ thể con.
Gần đây, câu chuyện về một bà mẹ bổ sung canxi cho con sai cách đã gây ra hậu quả vô cùng nặng nề cho bé khiến nhiều cha mẹ giật mình.
Cụ thể, người mẹ cho biết con trai cô đã được 8 tuổi nhưng chiều cao chỉ đạt 115cm dù cả hai vợ chồng không ai cao dưới 160cm. Điều này làm hai vợ chồng rất lo lắng. Một lần nọ, gặp được một người bạn cũ, người mẹ được bày cho cách giúp con mau cao lớn đó là bổ sung canxi cho cậu bé.
Kể từ đó, người mẹ ngày nào cũng cho con uống thực phẩm bổ sung canxi. Tuy nhiên, đã vài tháng trôi qua, chiều cao của cậu bé không có dấu hiệu gì là thay đổi. Quá lo lắng cho con, người mẹ đã đưa con đến bệnh viện kiểm tra.
Sau khi kiểm tra xương, bác sĩ lắc đầu kết luận: vì bổ sung quá nhiều canxi, xương của cậu bé đã bị vôi hóa, sụn tăng trưởng ở đầu xương cũng không phát triển nữa. Điều này ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến sự phát triển chiều cao của cậu bé, rất có khả năng cậu bé sẽ không cao thêm được nữa.
Người mẹ nghe đến đó liền bật khóc, vị bác sĩ cũng chỉ biết lắc đầu: người mẹ thương con nhưng không chịu tìm hiểu kỹ trước khi thực hiện nên cuối cùng đã chuốc về hậu quả tai hại.
Ngay khi câu chuyện của bà mẹ trẻ này được chia sẻ, không ít bậc cha mẹ giật mình nhìn lại chính bản thân. Cha mẹ nào cũng mong muốn con cái mình trở nên thật cao lớn và khỏe mạnh, tuy nhiên không phải cha mẹ nào cũng biết cách bổ sung canxi đúng cách.
Thực tế, canxi có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc quyết định chiều cao, sự phát triển khỏe mạnh và độ cứng cáp của trẻ. Trẻ thiếu canxi không những bị còi xương, mọc răng chậm, hay mệt mỏi, biếng ăn,... mà còn gây ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của trẻ.
Tuy nhiên, cha mẹ cần biết rằng, không phải cứ bổ sung thật nhiều canxi cho trẻ là tốt, thừa canxi cũng sẽ gây ra vô số hậu quả nghiêm trọng như rối loạn tiêu hóa, cường giáp, sỏi thận,... Vì vậy, để con vừa cao lớn vừa khỏe mạnh, cha mẹ cần bổ sung Canxi cho con một cách đúng đắn. Dưới đây là một số lưu ý dành cho cha mẹ:
Chú trọng liều lượng
Nhu cầu canxi ở mỗi độ tuổi là khác nhau. Vì vậy cha mẹ nên chú ý độ tuổi của con mình để bổ sung liều lượng canxi và các thực phẩm chứa canxi của trẻ cho phù hợp. Để đảm bảo liều lượng vừa đủ cha mẹ nên tham khảo các nguồn thông tin đáng tin cậy hoặc nếu có điều kiện cha mẹ vẫn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng sẽ tốt cho trẻ hơn.
Đúng thời điểm
Không chỉ đúng liều lượng mà cha mẹ còn chú ý đúng thời điểm để có thể đạt hiệu quả tốt nhất. Thời điểm bổ sung canxi cho trẻ tốt nhất là vào buổi sáng, sau bữa ăn khoảng từ 30 đến 60 phút. Đây là lúc trẻ được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, tổng hợp vitamin D và hấp thụ canxi tốt.
Cha mẹ đặc biệt chú ý không cho trẻ uống canxi vào buổi tối hoặc buổi chiều sẽ khiến canxi bị lắng đọng trong cơ thể, nguy cơ gây táo bón, sỏi thận và khó ngủ. Bên cạnh đó, mùa đông là thời điểm ít nắng, trẻ cũng dễ bị thiếu hụt canxi, nên đây cũng là thời điểm mà cha mẹ nên chú ý bổ sung canxi cho bé.
Kết hợp với vitamin D
Vitamin D và canxi là bộ đôi không thể tách rời bởi vì vitamin D là chất dẫn truyền giúp cho cơ thể bé hấp thu canxi tốt hơn. Do vậy để trẻ hấp thu tốt nhất lượng canxi vào cơ thể cha mẹ nên bổ sung cả vitamin D cho trẻ. Cha mẹ có thể bổ sung vitamin D bằng cách cho trẻ phơi nắng vào buổi sáng sớm hoặc qua các loại thực phẩm giàu loại vitamin này như sữa, lòng đỏ trứng, cá hồi, dầu gan cá,…
Bên cạnh việc bổ sung canxi đúng cách, để trẻ cao lớn và khỏe mạnh, cha mẹ cũng nên cho trẻ thực hiện một số điều sau:
Ngủ đúng và đủ giấc: cha mẹ nên cho trẻ ngủ trước 22 giờ, vì trong khoảng từ 22 giờ đến 3 giờ sáng là thời điểm cơ thể tiết ra nhiều hormone tăng trưởng nhất.
Thường xuyên vận động: khuyến khích trẻ thường xuyên vận động tạo nhiều cơ hội để trẻ tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời để cơ thể chuyển hóa được nhiều vitamin D hơn. Không những thế, vận động thường xuyên cũng giảm thiểu nguy cơ thừa cân, béo phì ở trẻ nhỏ.
Khám sức khỏe theo định kỳ: cha mẹ nên cho bé đến bác sĩ khám thường xuyên để kiểm tra chiều cao và cân nặng. Việc phát hiện sớm trẻ bị chậm phát triển chiều cao sẽ giúp việc điều trị trở nên dễ dàng hơn.