Cận
thị học đường đã và đang trở thành một mối lo ngại đối với lứa tuổi học
sinh. Tại khắp cả nước, tỷ lệ cận thị học đường đang ngày một tăng cao,
ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập và vui chơi của các em. Hôm nay cô
tuyên truyền đến các em và phụ huynh cách phòng tránh cận thị học
đường. Cận thị là tật khúc xạ làm cho mắt chỉ nhìn rõ vật ở gần mà không nhìn thấy rõ vật ở xa.
- Nguyên nhân gây ra tật cận thị:
-
Nơi ngồi học thiếu ánh sáng, chiếu sáng không hợp lý (cả ở lớp và khi ở
nhà) hoặc nơi ánh sáng quá chói, gây mệt mỏi cho mắt và làm giảm thị
lực.
- Thiếu bàn ghế, kích thước bàn ghế không phù hợp với tầm vóc hoặc sắp xếp không đúng cách.
- Đọc sách, truyện chữ quá nhỏ, chơi trò chơi điện tử, xem tivi và sử dụng máy tính quá lâu.
- Ngồi học không đúng tư thế (cúi quá thấp, nhìn quá gần, nằm, cúi, ngồi nghiêng để đọc, viết).
- Do di truyền.
- Trẻ gầy yếu, hay ốm đau, trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm thường dễ bị cận thị.
- Biểu hiện của cận thị:
-
Giai đoạn đầu các em thường có cảm giác chóng mỏi mắt mỗi khi đọc sách
hay học bài. Sau đó có cảm giác đọc chữ thầy cô viết trên bảng bị mờ và
mắt phải điều tiết liên tục để nhìn cho rõ.
- Phân loại cận thị:
+ Cận thị ở mức độ nhẹ dưới 3 diop.
+ Cận thị ở mức độ trung bình là từ 3 diop đến dưới 6 diop.
+ Cận thị ở mức độ nặng từ 6 diop trở lên.
- Tác hại của cận thị:
-
Trong học tập: Kết quả bị giảm sút do không nhìn rõ chữ của thầy cô
trên bảng và chữ trong sách vở dẫn đến làm bài bị chậm hơn so với các
bạn có đôi mắt bình thường.
-
Trong sinh hoạt: Do mắt nhìn kém và không linh hoạt nên gặp khó khăn
khi đi lại, hoạt động và làm việc. Khi trưởng thành, người cận thị
thường gặp khó khăn trong các ngành nghề đòi hỏi độ chính xác cao.
-
Đối với sức khỏe: Khi bị cận thị nếu không có biện pháp phòng và đeo
kính đúng số thì bệnh sẽ ngày một nặng thêm. Những người bị cận thị nặng
rất có thể bị bong võng mạc dẫn tới mù lòa.
- Phòng chống tật cận thị:
- Chỗ học tập phải đủ ánh sáng. Tránh không để nguồn sáng chiếu trực tiếp vào mắt.
-
Bàn ghế phải phù hợp với tầm vóc, tư thế ngồi học phải ngay ngắn (lưng
ngồi thẳng sát với tựa ghế, đầu gối vuông góc, chân đặt sát nền, đầu hơi
cúi khoảng 15o, giữ khoảng cách từ mắt đến vở khoảng 25cm đến 30 cm).
-
Không đọc sách và truyện chữ quá nhỏ. Chữ viết của giáo viên trên bảng
phải to và đậm nét để học sinh nhìn rõ. Không đọc sách và chơi điện tử
quá lâu. Sau mỗi giờ học tập nên để mắt nghỉ ngơi vài phút.
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân, rèn luyện thể thao ngoài trời để nâng cao sức khỏe.
- Nên ăn uống đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là thức ăn có nhiều vitamin A.
- Thường xuyên kiểm tra thị lực để phát hiện sớm bệnh cận thị.
- Khi bị cận thị phải được khám và được tư vấn điều trị của bác sỹ và đeo kính đúng số.