Tiếp tục thực hiện theo kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử địa phương và cho học sinh tham quan tìm hiểu cụm di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn quận năm học 2018 – 2019, ngày 24/10/2018, trường Tiểu học Gia Quất đã tổ chức cho học sinh khối 3 đi tham quan di tích lịch sử văn hóa địa phương là đình chùa Bắc Biên và đình Thanh Am. Đây là cơ hội tốt để cho các bạn học sinh tìm hiểu thêm về những di tích lịch sử, danh tướng của quê hương Long Biên.
Điểm đến đầu tiên của chuyến tham quan của các em là đình Phúc Xá (Bắc Biên-Ngọc Thụy). Tại đây các em đã được nghe và hiểu về lịch sử ngôi làng cổ và các danh tướng tài ba.
Năm 1831, thời vua Minh Mạng, Cơ Xá thuộc huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội. Ðến năm 1911, làng Cơ Xá xin đổi tên là Phúc Xá, với mong muốn được bình an, no ấm. Năm 1942, Phúc Xá thuộc Ðại lý Hoàn Long, ngoại thành Hà Nội. Theo dòng chảy sông Hồng, bờ bãi bên bồi bên lở, Bãi Giữa cũng bị lở rất nhiều. Năm 1956, phần dân Bãi Giữa (Trung Hà và Bắc Biên) sáp nhập với xã Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm (nay là phường Ngọc Thụy, quận Long Biên).
Ðình Phúc Xá được dựng năm 1919, trên nền cổ của làng với mái lá đơn sơ. Năm 1930, dân làng xây đình và nhà bia, đến năm 1935 mới hoàn thành toàn bộ khu đình. Ðình làng thờ ba vị tướng của Vua Hùng là Minh Khiết Ðại Vương, Bảo Trung Ðại Vương, Hiếu Công Ðại Vương có công bảo vệ đất nước.
Ngoài ba vị thánh trên, đình còn thờ Ðào tướng quân. Hiện Ban quản lý di tích còn giữ được bản thần tích về Ðào tướng quân là công thần của Trưng Nữ Vương. Theo thần phả, ông được Trưng Vương phong làm Ðại nguyên soái, thống lĩnh quân từ cửa sông Hát tiến đánh thành của Tô Ðịnh, ba năm sau lại đánh quân Mã Viện. Ngày 15-8, ông bị trọng thương, đến Cổ Lũy thì "hóa". Dân Phúc Xá ghi nhớ công ơn người anh hùng đã dựng đền thờ trên Bãi Giữa; khi bãi lở mới rước vào đình.
Chặng tiếp theo của hành trình là đình Thanh Am thuộc phường Thượng Thanh. Đến nay, đình Thanh Am còn lưu giữ được nhiều đạo sắc, trong đó đạo sắc sớm nhất có niên hiệu Vĩnh Khánh thứ hai (1730), một quả chuông đúc năm Cảnh Thịnh thứ nhất (1793), cuốn thần phả viết về thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Bỉnh Khiêm, một cuốn sấm ký (những lời tiên đoán của ông).
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) quê ở làng Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương, nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Bố ông là Văn Tỉnh được phong quận công, mẹ ông là con gái quan thượng thư Ngữ Văn Lan. Lúc nhỏ, Nguyễn Bỉnh Khiêm học tập ở nhà, lớn lên vào Thanh Hóa học bảng nhãn Lương Đắc Bằng. Tại đây ông được thầy dạy sách "Thái Ất thần kinh ". Năm 1535, ông thi đậu trạng nguyên, khi ấy 44 tuổi. Dưới triều đình nhà Mạc, ông làm quan đến chức thượng thư, thái phó, tước Trình tước quận công, nên người đương thời gọi ông Trạng Trình. Khi ấy triều đình ngày càng xấu đi, Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ, xin chém nhiều lộng thần, nhưng vua Mạc không chấp thuận, ông cáo bệnh về nhà. Tại quê, Nguyễn Bỉnh Khiêm dựng am Bạch Vân, lấy hiệu sư sỹ Bạch Vân, xây chùa, mở trường dạy học bên bờ sông Tuyết Hàn, học trò tôn xưng ông là phụ tử Tuyết Giang. Tiếng là ẩn dật nhưng ông vẫn ở vị thế " làm quan tại nhà", triều Mạc trọng thi như một đại thần cố cựu, thường cử người đến hỏi kế sách, hoặc mời lên kinh đô bàn chính sự.
Buổi tham quan và học tập vô cùng nghĩa đã gây niềm hứng thú cho các em học sinh. Những kiến thức các em thu nhận được qua chuyến đi sẽ được thể hiện qua bài thu hoạch cá nhân. Noi gương và tiếp bước cha ông, các em thấy tự hào là học sinh của quê hương nơi thờ những vị tướng giỏi, những danh nhân tài ba của đất nước.